Con đường phát triển sự nghiệp của mỗi cá nhân chẳng bao giờ là bằng phẳng và trải đầy hoa hồng. Bạn phải trải qua những vấp váp, khó khăn, thử thách thì mới có cơ hội được mài dũa các kỹ năng, trau dồi những kinh nghiệm làm việc thực tế và khám phá ra những thế mạnh mới của bản thân để thăng tiến trong sự nghiệp. Và khi bạn gặt hái được sự thành công và những thành tựu xuất sắc thì bạn có thể nhìn lại những gì trải qua và thầm cảm ơn chính mình.
Tuy nhiên, sẵn sàng đương đầu với thử thách không có nghĩa là bất chấp mọi mạo hiểm để đạt được thành công trong sự nghiệp. Vẫn có những quyết định sai lầm khiến cho bạn phải đối mặt với các rủi ro nghiêm trọng cho con đường phát triển sự nghiệp tương lai. Vậy đâu là những lựa chọn mạo hiểm bạn cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi hành động? Cùng Acabiz theo dõi bài viết dưới đây.
1. Quyết định nghỉ việc vội vàng
Chẳng có công việc nào là hoàn hảo ngay từ khi mới bắt đầu và trong suốt quá trình làm việc. Ai rồi cũng sẽ gặp phải những cảm giác khó khăn, chán nản khi triển khai công việc, nhưng quan trọng là bạn có thể bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, cố gắng lùi lại một bước, sử dụng lý trí thay vì để cảm tính chi phối khi vội vàng đưa ra quyết định nghỉ việc.
Theo những lời khuyên của các chuyên viên tư vấn nghề nghiệp thì bạn hãy cho mình khoảng thời gian riêng để suy nghĩ, đưa ra những lý do khiến bạn cảm thấy khó khăn và tìm ra cách giải quyết thích hợp. Nếu bạn bất đồng với đồng nghiệp, hãy tạo cơ hội cho 2 bên đối diện trực tiếp với nhau và đưa ra cách giúp cải thiện mối quan hệ. Chú ý đến những gì đang nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Và đâu là động lực để bạn làm việc tốt hơn?
Mặt khác, nếu như môi trường làm việc thực sự không đem lại giá trị gì cho bản thân bạn, hay làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và thể chất của bạn thì có lẽ quyết định nghỉ việc lúc này là đúng đắn.
2. Chấp nhận làm việc thiếu đạo đức và bất hợp pháp
Mỗi người đều có một chuẩn mực đạo đức riêng. Chính vì thế đừng ngại nói “không” với những yêu cầu, nhiệm vụ được cấp trên giao phó mà bạn cho rằng điều đó là trái với đạo đức nghề nghiệp và có thể là bất hợp pháp. Nếu như bạn bị ép buộc làm điều đó và sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi nói lời từ chối, hãy suy nghĩ kỹ và đưa ra hành động thông minh đó là nhờ sự can thiệp của phòng ban nhân sự phụ trách và cấp trên cao hơn. Dù bạn làm dưới quyền người khác nhưng tin tưởng và tôn trọng quyết định của bản thân là điều vô cùng quan trọng.
3. Đồng ý cắt giảm lương trong điều kiện tài chính eo hẹp
Chẳng ai muốn rơi vào trường hợp bị cắt giảm lương bởi những lý do khác nhau do công ty đưa ra. Dù quyết định cắt giảm này có đưa ra lý do phù hợp và bạn chấp nhận điều đó những trước khi bị cắt giảm, hãy xem xét thật kỹ điều này có ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn hay không?
Gặp khó khăn trong vấn đề tài chính bạn sẽ phải đối mặt với việc làm cách nào để có thể chi trả chi phí sinh hoạt hằng ngày hay các khoản nợ mà bạn đang gánh. Trong khoảng thời gian đầu bạn có thể giải quyết ổn thỏa, nhưng nếu tình trạng kéo dài thì sẽ xuất hiện những rắc rối cho bạn và gia đình mình.
Chính vì thế, khi tìm việc làm hãy xác định rõ mức lương tối thiểu bạn cần phải kiếm được để đáp ứng được các nhu cầu của cuộc sống cá nhân. Nếu như bị trừ lương thì mức thu nhập vẫn phải nằm trong khả năng chấp nhận được, còn nếu không bạn cũng nên tìm một công việc khác có mức lương tốt hơn để làm việc và duy trì cuộc sống.
>> Những thói quen làm việc sai lầm có thể khiến bạn bị đuổi việc
>> 6 lý do để tổ chức các chương trình đào tạo doanh nghiệp
4. Vượt qua thẩm quyền của mình
Khi làm bất cứ một công việc gì bạn cũng phải suy nghĩ thật kỹ lưỡng, đặc biệt là khi đưa ra phát ngôn của mình về công ty với những người khác. Ở tổ chức nào cũng đều sẽ có một hệ thống phân quyền rõ ràng và việc của các thành viên trong tổ chức là làm theo đúng quy đinh, không được vượt qua thẩm quyền của mình nếu như chưa có sự cho phép của cấp lãnh đạo. Ví dụ như, khi chưa có sự thống nhất của ban truyền thông và cấp lãnh đạo mà bạn đã tự ý phát biểu với báo chí như một đại diện của công ty thì đó là một sai lầm. Điều đó không thể hiện bạn là một người mạnh mẽ, nó chỉ chứng minh rằng bạn đang làm trái với quy định và hạ thấp thẩm quyển của mình trong công ty.
Đồng thời, khi làm việc bạn phải tôn trọng cấp trên và đồng nghiệp, dù ý kiến và quyết định của họ có không khiến bạn hài lòng. Hãy tập cách lắng nghe nhiều hơn, học giao tiếp phù hợp để đưa ra được tiếng nói chung khi làm việc.
5. Bỏ qua những điều mình chưa biết
Mạo hiểm cuối cùng mà ai cũng cần tránh trên con đường phát triển sự nghiệp của mình đó là né tránh mọi thách thức, khó khăn và không muốn đặt mình vào bất cứ rủi ro nào trong công việc. Nguyên nhân dẫn tới điều này đó chính là do tâm lý sợ hãi, chỉ muốn có một sự nghiệp ổn định, ít sự thay đổi hay va chạm nào đó trong quá trình làm việc. Và nếu bạn cứ mãi mắc kẹt trong sự sợ hãi đó thì rồi hậu quả cuối cùng để lại chỉ còn là sự chán nản và nhanh chóng đưa ra quyết định bỏ việc.
Để phát triển một sự nghiệp tươi sáng, việc cần làm của bạn đó chính là luôn nắm bắt những cơ hội trước mắt và sẵn sàng đối diện với rủi ro. Tuy nhiên, hãy đối diện một cách thông minh trong tâm thế đã được trang bị sẵn cả về kiến thức lẫn kỹ năng nghề nghiệp để bạn luôn tiến về phái trước. Chúc các bạn thành công.