Làm thế nào để đánh giá hiệu quả đào tạo nhân viên?
Việc xác định số lượng nhân viên tham gia đào tạo và tính toán chi phí cho mỗi nhân viên là công việc mà L&D bắt buộc phải làm sau mỗi chương trình đào tạo. Mặc dù những thông số này rất quan trọng nhưng chúng không dùng để đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của nhân sự và tính hiệu quả của hoạt động đào tạo. Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về 6 KPI mẫu trong L&D cho phép doanh nghiệp áp dụng để đo lường hiệu quả sau mỗi chương trình đào tạo của mình.
1. Thời gian thành thạo
Nhân viên học càng nhanh thì họ càng sớm đạt được kết quả tốt hơn. Vì vậy, thời gian để thành thạo một lĩnh vực cụ thể là một chỉ số quan trọng để đo lường hiệu quả của việc đào tạo . Quá trình học tập nên được thiết kế sao cho dễ dàng và thú vị nhất có thể, từ đó rút ngắn thời gian học tập.
Khi triển khai phân tích đào tạo , việc tận dụng khả năng báo cáo của LMS là rất tốt. Điều này sẽ cho phép L&D kiểm tra cả thời gian trung bình và thời gian cá nhân cần thiết để hoàn thành khóa đào tạo. Bộ phận đào tạo cũng nên thành lập các nhóm tập trung và đánh giá kết quả của họ trước và sau khóa học.
2. Tích lũy kiến thức trong thực tế
Quá trình học tập sẽ chuyển thành kết quả cho toàn bộ người tham gia và doanh nghiệp. Mức độ mà nhân viên có thể sử dụng thông tin họ học được trong công việc là một chỉ số ROI có thể đo lường được.
Các quan sát, đào tạo thực tế sau giờ học, chiến lược học tập trực tuyến và phân tích dữ liệu hiệu suất đều có thể giúp đánh giá chỉ số này. Với chỉ số này, bộ phận L&D cũng có thể biết được nguyên nhân gây ra khó khăn cho việc áp dụng những kiến thức đã tiếp thu vào công việc của các nhân sự.
3. Duy trì kiến thức
Rất dễ quên những thông tin mới nếu chúng ta không áp dụng nó vào thực tế. Để giải quyết vấn đề này, bộ phận L&D nên thiết kế chương trình học để nó trở nên hấp dẫn hơn và nội dung được lặp lại đều đặn. Để đo lường mức độ ghi nhớ kiến thức và kỹ năng đã học của nhân viên trong quá trình đào tạo, hãy so sánh điểm số của họ bằng các bài kiểm tra trước và sau khóa học. Hãy tạo điều kiện để nhân viên có thể truy cập nhanh vào thông tin sau khi khóa đào tạo kết thúc bằng cách triển khai chương trình đào tạo bằng hệ hống LMS. Bằng cách này, nhân viên có thể truy cập và ôn luyện lại nội dung học tập bất cứ khi nào họ muốn.
4. Điểm hài lòng của người tham gia
Đo lường sự hài lòng của người tham gia bao gồm việc đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 10 sự hài lòng và thỏa mãn của nhân viên với khóa học. Yếu tố thứ hai là khả năng nhân viên sẽ giới thiệu và nói về khóa học cho bạn bè, đồng nghiệp của họ dựa trên những gì đã được trải nghiệm trong khóa học. Điều này giúp thu hút thêm một lượng quan tâm từ nhân sự khác đến với chương trình đào tạo của doanh nghiệp.
Ví dụ: Sau khóa đào tạo, L&D có thể sử dụng một cuộc khảo sát với câu hỏi: “Khả năng bạn giới thiệu khóa học này cho đồng nghiệp khác là bao nhiêu?”. Bằng cách phân tích các câu trả lời, bạn sẽ xác định liệu khóa đào tạo có đáp ứng được mong đợi của người tham gia hay không và từ đó có kế hoạch tổ chức tương tự với các đối tượng nhân sự khác trong doanh nghiệp.
5. Hiệu suất đào tạo so với hiệu suất của tổ chức
Việc đào tạo được tiến hành đúng cách sẽ giúp tăng doanh số bán hàng hoặc cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm của công ty. Biết các chỉ số hiệu suất của các nhân viên, team nhóm, phòng ban và toàn bộ tổ chức, sau đó đo lường sự khác biệt giữa chúng trước và sau khi đào tạo sẽ giúp doanh nghiệp bạn đánh giá được lợi tức đầu tư cho đào tạo.
Tác động của đào tạo đến hiệu suất của từng nhân viên và toàn bộ doanh nghiệp cũng giúp bộ phận L&D định hình được phạm vi nhân sự sẽ đào tạo trong tương lai và xác định các mục tiêu hiệu suất mới của doanh nghiệp.
Đọc thêm:
>> Thời điểm vàng doanh nghiệp nên bắt tay thiết kế chương trình đào tạo
>> Đào tạo nội bộ cho Doanh nghiệp bằng Elearning như thế nào?
6. Sự tham gia của nhân sự
Thu hút những nhân viên có tay nghề, chuyên môn cao vẫn là một thách thức đối với bộ phận L&D. Ngày càng có nhiều tổ chức sử dụng các công cụ phân tích để đo lường mức độ gắn kết và sự hài lòng trong công việc của nhân viên. 73% công ty trên thế giới được khảo sát có câu trả lời rằng phân tích con người là ưu tiên hàng đầu của họ trong 5 năm tới.
Phân tích mức độ tham gia vào quá trình học tập của nhân viên giúp cho doanh nghiệp đánh giá được sự hài lòng của họ với các chương trình đào tạo mà doanh nghiệp thực hiện cho họ. Liệu họ có thực sự mong muốn khi tham gia và được công nhận năng lực tại doanh nghiệp hay không? Điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng giữ chân họ ở lại với doanh nghiệp.
Kết luận:
Trên đây là 6 chỉ số KPI trong L&D cho phép doanh nghiệp có thể áp dụng để đo lường hiệu quả sau khi đào tạo. Với các yếu tố đo lường này, doanh nghiệp sẽ đánh giá được một cách khách quan các chương trình đào tạo của mình dành cho nhân sự, từ đó có được sự điều chỉnh và cải tiến phù hợp hơn nữa với các chương trình đào tạo mới trong tương lai.